Tin tức du lịch

Kiến trúc Tháp Chàm Pôshanư, Mũi Né

du-lich-mui-ne-tim-hieu-kien-truc-thap-Cham-Poshanu Toàn cảnh Khu di tích Tháp Chàm Pôshanư, Mũi Né

Tháp Chàm Poshanu là một trong những khu di tích tháp Chăm đặc biệt nhất còn sót lại của người Chăm pa cổ xưa. Khu di tích này tọa lạc trên đồi Bà Nài, nằm cách 7km về hướng Đông Bắc của thành phố Phan Thiết. Tháp Poshanu còn được biết đến với tên gọi Tháp Chăm Phố Hài.

 

THÁP CHÀM POSHANU PHAN THIẾT

 

Khu di tích Poshanu được xây dựng để thờ cúng thần Shiva - vị thần thiêng liêng của Hindu giáo, vào những năm cuối thế kỷ thứ VIII và hoàn thành vào những năm đầu thế kỷ thứ IX bởi người Chăm cổ. Theo sử sách ghi lại, một số đền thờ được xây dựng thêm để thờ công chúa Poshanu – người thông minh, tài đức của vương triều Chăm Pa lúc bây giờ rất được tôn kính. Đến những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di tích chứng minh ngôi đền này đã từng bị sụp đổ và vùi lấp dưới đống gạch ngói, cùng một số hiện vật của tòa tháp này có niên đại thuộc thế kỷ XV. Do đó, khu di tích này được gọi là Tháp Chàm Poshanu.

 

 

Tháp Chàm Poshanu là một trong những khu di tích đền tháp Chàm còn giữ nguyên vẹn kiến trúc ban đầu ở  Việt Nam, nó được thiết kế theo phong cách kiến trúc cổ của người Chăm Pa – kiến trúc Hòa Lai. Với nghệ thuật trang trí độc đáo, khu tháp này vẫn toát lên vẻ kỳ bí mà uy nghiêm mặc dù khuôn viên di tích không quá rộng lớn bởi sự kết hợp tinh hoa trong kiến trúc cũng như kỹ thuật xây dựng của người Chăm cổ: gạch đỏ được gắn kết bởi sự kết dính đặc trưng, tháp hình vuông với các cột trụ hình tròn, cửa ra vào hình vòm cuốn, càng lên cao tháp càng nhỏ dần, tháp được trang trí bằng hoa văn bởi sự chạm khắc tỉ mỉ và tinh tế,… Vật liệu để gắn kết những viên gạch đỏ với nhau rất đặc biệt, và nó còn là một ẩn số mà chưa có nhà nghiên cứu nào tìm ra được chính xác, họ chỉ giả thiết và phỏng đoán vật liệu đó được làm từ nhựa thực vật.

 

 

Khu di tích Tháp Chàm Poshanu gồm có một tháp chính và hai tháp phụ, ngoài ra còn có tàn tích của những đền tháp đã bị sụp đổ. Tháp chính cao 15m được chia thành ba tầng, đáy tháp hình vuông với chiều dài mỗi cạnh khoảng 20m. Tháp này có một cửa chính hướng về phía đông – hướng cư ngự của các vị thần linh theo truyền thuyết Chăm Pa, và để kiến trúc có tính đối xứng đồng dạng, tháp chính này được thiết kế thêm ba cửa giả ở các hướng Tây, Bắc, Nam. Cửa Tây được chạm khắc trang trí bằng những hoa văn và hình tượng khá lạ mắt.  Ở chính giữa tháp đặt bệ thờ Linga – Yoni bằng đá xanh đen nguyên khối, một trong những linh vật quan trọng của đạo Hindu.

 

 

Tháp phụ thứ nhất thờ Thần Lửa, tháp này nằm ngay cạnh tháp chính, và là tháp nhỏ nhất trong khu di tích với chiều cao khiêm tốn chỉ khoảng 4m, có một cửa duy nhất hướng về phía Đông. Những họa tiết trang trí trên ngọn tháp này đã bị bào mòn bởi thời gian, nay chỉ còn những đường nét gốc khá đơn giản. Tháp phụ còn lại nằm khá xa tháp chính, tháp này thờ Thần Bò Nandin –  một vật cưỡi của vị thần nổi tiếng linh thiêng Shiva. Tháp này được thiết kế tương tự như tháp chính với chiều cao vào khoảng 12m và các họa tiết trang trí cũng đơn giản hơn tháp chính khá nhiều.

 

Hiện nay, khu di tích đền tháp Chàm Poshanu được nhà nước cho trùng tu, sửa chữa và được xếp hạng di tích lịch sử có kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hàng năm, nơi đây thu hút khá nhiều du khách tới tham quan, và cứ vào mỗi dịp lễ hộ Rija Nuga hay Poh Mbang cư dân địa phương lại tới đây cầu mưa và cầu nguyện những điều tốt lành.

 

Bình luận của bạn

Tour đang được khuyến mãi