Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo
Nghĩa trang Hàng Dương luôn điểm đến mà bất kỳ du khách nào khi đến Côn Đảo cũng đều muốn ghé qua. Hãy cùng Di Sản Việt tìm hiểu nhé.
NGHĨA TRANG HÀNG DƯƠNG – CÔN ĐẢO
Nghĩa trang Hàm Dương điểm đến mà bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến Côn Đảo cũng đều muốn đến thăm quan. Hãy cùng Di Sản Việt trải nghiệm nhé.
Tượng đài liệt sỹ nghĩa trang Hàng Dương
Côn Đảo – địa ngục trần gian, với hệ thống nhà tù khét tiếng của Thực dân Pháp và Đế Quốc Mỹ. Côn Đảo – Quần đảo Ngọc, là một trong mười điểm hấp dẫn, bí ẩn và lãng mạn nhất thế giới. Bài ca Côn Đảo là bài ca về tinh thần bất khuất, ý chí kiên trung, gan góc của những người yêu nước và các chiến sĩ cách mạng, là bài ca về tình người, tình đồng đội, đồng chí trong chốn lao tù, là bài ca về khát vọng dựng xây vì một Côn Đảo đẹp giàu ngày nay. Bắt đầu ngày mới tại hòn đảo này, du khách sẽ được ngắm vẻ đẹp trong trẻo, khoáng đạt của đất trời, đắm mình trong hương vị nồng say của biển, trước khi chuẩn bị cho chuyến tham quan hết sức đặc biệt tại Côn Đảo – thăm Nghĩa Trang Hàng Dương.
Mộ liệt sỹ ở nghĩa trang Hàng Dương
Nghĩa trang Hàng Dương nằm dưới chân núi, trải rộng trên diện tích 19 hecta, được phân chia thành các khu khác nhau, với tên gọi A, B, C, và D. Đây là nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất thuộc huyện đảo Côn Đảo, và được xem là nghĩa trang liệt sĩ có lịch sử lâu đời nhất ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê ước định, có tới gần 20.000 mộ liệt sỹ ở nghĩa trang này. Trong số đó, không phải là tất cả các liệt sỹ đều được chôn cất tại nghĩa trang nổi tiếng này. Trước đây, khi Thực dân Pháp bắt đầu cho xây dựng nhà tù Côn Đảo thì nghĩa địa chôn cất đầu tiên là ở khu Chuồng Bò, sau đó được đã di dời tới khu vực Hàng Keo. Khi nghĩa trang Hàng Keo hết chỗ trống để có thể chôn cất thêm các chiến sỹ cách mạng, Thực dân Pháp đã mở thêm nghĩa địa mới ở Hàng Dương nhằm tiếp tục chôn cất các chiến sỹ. Tính tới năm 1975, ngày Côn Đảo được giải phóng hoàn toàn, nghĩa trang Hàng Dương có lịch sử tròn 35 tuổi. Trong suốt 35 năm này, ước tính có tới 6.000 tù nhân đã chết và chôn vùi ở đây. Tên gọi Nghĩa trang Hàng Dương được định danh bởi trước kia, tại khu vực này còn có rất nhiều cây phi lao cổ thụ, và người miền Nam gọi là cây Dương Liễu, một trong những biểu tượng của sự bền trí, can trường. Trải qua thời gian dài, bên cạnh những cây phi lao xưa, giờ đây nghĩa trang đã có thêm phượng vĩ, lê ki ma bầu bạn, đêm ngày đón gió biển khơi ngân lên khúc nhạc du dương, tha thiết ru giấc ngủ ngàn năm cho những người con đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Mộ chị Võ Thị Sáu nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo
Con đường dẫn tới khu hành lễ tại nghĩa trang Hàng Dương mang một vẻ đẹp nhẹ nhàng, thơ mộng. Con đường này cùng với nhiều công trình khác trong nghĩa trang là kết quả của đợt tôn tạo quy mô lớn vào năm 1992. Phía đối diện là đài tưởng niệm các liệt sĩ Côn Đảo. Đài tưởng niệm một khối trụ biểu tượng cho một nấm mộ tập thể có chiều cao 21,6m, được ghép từ 144 phiến đá do kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện – chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc sư Việt Nam thiết kế. Điều thú vị là cả chiều cao đài tưởng niệm và số lượng các phiến đá ghép đều có tổng các chữ số bằng chín – một con số đẹp theo quan niệm của văn hóa phương Đông.
Nhẹ bước trong nghĩa trang Hàng Dương lịch sử, du khách sẽ rất khó cầm lòng khi nhìn hàng ngàn nấm mộ nhấp nhô khắp cả một vùng đồi rộng lớn, những nấm mộ chen nhau không ngay hàng thẳng lối, những nấm mộ có tên, không tên lấp ló dưới từng lùm cây. Một trong những điều rất đặc biệt tại nghĩa trang ở đây là những ngôi mộ được xếp liền nhau, nhưng không theo một trật tự nào cả, bởi khi xưa, các liệt sĩ ngã xuống thì những người bạn tù đã sử dụng đá để làm nên những ngôi mộ. Sau này, khi chính quyền và nhân dân địa phương khi xây dựng lại nghĩa trang Hàng Dương đã quyết định không di rời và vẫn sử dụng đá để xây dựng mộ nhằm đảm bảo nhằm đảm bảo nguyên trạng.
Mỗi ngôi mộ tại nghĩa trang Hàng Dương là một số phận bi hùng, và là một chứng tích về tội ác của bọn Thực dân đế quốc. Trong suốt 113 năm hoạt động, ngục tù tại Côn Đảo ghi nhận khoảng 20.000 tù nhân đã yên nghỉ, nhưng dấu vết cho thấy, hiện nay chỉ còn lại là 1.921 phần mộ, và chỉ 713 phần mộ tìm được danh tính. Sự thất lạc quá lớn này có nguyên do từ việc coi rẻ mạng tù nhân và mai táng người chết hết sức sơ sài. Theo chiếu lệ của cai ngục, khi có tù nhân nào chết, cai ngục sẽ sử dụng hai chiếc bao làm từ cỏ ống, trùm từ phía trên đỉnh đầu xuống cơ thể, và chiếc còn lại thì trùm từ phía chân lên, sau đó buộc nút lại bằng loại vải nuộc dây, rồi đưa tới nghĩa địa vùi xuống một hố cạn. Tiếp đến, họ sẽ cắm chiếc cọc bằng gỗ trên mặt đất, trên cọc này có gắn mảnh nhôm ghi gắn gọn số hiệu tù nhân, và ngày mất của người tù đó. Vài ngày sau, khi có những cơn gió lớn, hay trâu bò kiếm ăn dẫm phá sẽ làm dấu vết gần như mất hết. Ngoài ra, còn có những tù nhân bị đưa đi làm lao động khổ sai, sau đó chết do bị kiệt sức hoặc gặp tai nạn, thì cai ngục sẽ cho chôn vùi ngay tại chỗ.
Nghĩa trang Hàng Dương – một trong những địa danh mà rất nhiều người Việt Nam tâm niệm rằng: Đến Côn Đảo mà không viếng thăm nghĩa trang Hàng Dương thì xem như chưa đến hòn đảo lịch sử này. Có nhà thơ nào đó sau khi nghe hướng dẫn thuyết minh về lịch sử của nghĩa trang Hàng Dương, đã bật khóc và viết nên những lời sau:
Ai đến Hàng Dương cũng đều đi rất nhẹ
Thấy dưới chân mình là máu là xương
Máu thấm máu, ngấm từng hạt cát
Xương chồng xương, hóa đất Hàng Dương.